• :
  • :
SỞ Y TẾ TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam: cần tiếp tục duy trì và nhân rộng

Chiều ngày 14/12/2012, tại Hà Nội Bộ Y tế đã tổ chức Họp báo Tổng kết 25 năm công tác Tiêm chủng mở rộng (TCMR). PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi Họp báo.

 

Năm 1985, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình TCMR trên toàn quốc với 6 bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi. Trong suốt 25 năm qua, dưới sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể xã hội, sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế, chương trình TCMR đã triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi, viêm phổi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn cho trẻ em và phụ nữ. Chương trình TCMR đã bao phủ 100% tỉnh, thành trên cả nước với hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Từ năm 1995 đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Nhờ tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần, nhiều bệnh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. Đáng ghi nhận là đến nay, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, tỷ lệ mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng như bệnh ho gà, bạch hầu giảm rõ rệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và bệnh sởi trong năm 2012.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với những kết quả tích cực đó, định hướng chiến lược của TCMR trong thời gian tới là: công tác TCMR cần tiếp tục được coi là một ưu tiên quốc gia, bảo đảm tính bền vững của Chương trình từ nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương, cũng như của người dân; tiếp tục bảo vệ thành quả đã đạt được trong thanh toán bệnh bại liệt (năm 2000), loại trừ uốn ván sơ sinh (năm 2005), tiến tới mục tiêu loại trừ sởi và hạ thấp tỷ lệ nhiễm viêm gan B xuống dưới 1% dân số trong những năm tới; tiếp tục và mở rộng công tác truyền thông giáo dục và giải pháp xã hội hóa trong công tác TCMR; giữ vững tỷ lệ tiêm chủng cao; phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, sản xuất, cung cấp vắc xin và sinh phẩm; triển khai nghiên cứu khoa học các cấp độ với mục tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, mô hình tổ chức tiêm chủng thích hợp, kỹ thuật tiêm chủng tiên tiến; tiếp tục tăng cường đa phương hóa và đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận những thành tựu quan trọng trong công tác TCMR đã đạt được hơn 25 năm qua. Việt Nam đã tự sản xuất được hầu hết vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR như lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn… Tuy đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, song công tác TCMR ở nước ta vẫn còn một số trở ngại, như chất lượng dịch vụ tiêm chủng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa cao do khó khăn về mặt địa lý, kinh tế, xã hội; thiếu cán bộ y tế dự phòng tuyến huyện, xã; ngân sách nhà nước đầu tư cho TCMR mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; nhiều bệnh dịch nguy hiểm chưa có vắc xin hoặc chưa được đưa vào chương trình TCMR... Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn trong thời gian tới, công tác TCMR ở nước ta tiếp tục được duy trì và nhân rộng hơn nữa để giảm thiểu và loại trừ dịch bệnh góp phần cải thiện sức khỏe người dân.
 

Theo t5g.org.vn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết