• :
  • :
SỞ Y TẾ TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế: Chủ động phòng chống bệnh sởi

Theo ghi nhận của trung tâm kiểm soát bệnh tật, hiện tại tỉnh đã ghi nhận 03 ca mắc bệnh sởi (02 trẻ em, 01 người lớn). Sởi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong tất cả các loại bệnh gây phát ban hoặc sốt ở trẻ em. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành nhưng ít gặp hơn. Mặc dù bệnh sởi đã có vắc xin phòng ngừa nhưng không phải trẻ nào cũng được tiêm phòng. Đây là căn bệnh có tính lây lan nhanh, vi rút sởi có thể lây lan qua dịch nước khi trẻ hắt hơi và ho.

Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm y tế phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang).

 

Bệnh sởi thường rải rác quanh năm, các tháng mưa lạnh ẩm kéo dài, mùa Đông Xuân có thể tăng cao hơn. Bệnh do siêu vi của đường hô hấp trên nên thường có các triệu chứng ban đầu là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng.

Sởi thường diễn biến tự khỏi, song có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng... các gia đình, cha mẹ nên đưa con em đi tiêm ngừa sởi đủ 2 mũi lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.

Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể điều trị cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân được bổ sung Vitamin A theo đơn thuốc của bác sĩ, cần mang khẩu trang để tránh lây lan, trong tuần đầu phát ban hạn chế đến nơi đông người.

Khi mắc bệnh sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc với những người chưa mắc bệnh. Thời điểm dễ lây bệnh nhất là 2 ngày trước khi phát ban và 4 hoặc 5 ngày sau khi phát ban.

Trung tâm y tế thành phố Khám sức khỏe cho học sinh Trường trung học cơ sở Bình Thuận (Tp. Tuyên Quang).

 

“Khi con bị bệnh sởi, nhiều phụ huynh thiếu hiểu biết đã có những cách chăm sóc sai lệch, không khoa học như kỵ gió, nước mà không tắm rửa sạch sẽ cho trẻ. Nhiều người vì nghĩ trẻ khó tiêu hóa nên chỉ cho trẻ ăn cháo trắng sẽ khiến cơ thể trẻ bị suy nhược, mệt mỏi, thiếu chất dinh dưỡng, kéo theo thời gian điều trị dài hơn và dễ lây nhiễm nhiều căn bệnh khác. Cần chia cho trẻ ăn nhiều bữa, đảm bảo đủ dưỡng chất cho trẻ”.

Ngoài ra, người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang; thường xuyên vệ sinh tay chân. Khi chăm sóc người bệnh sởi xong cần phải tắm rửa, thay quần áo rồi mới chăm trẻ khác; cần bổ sung Vitamin C, dinh dưỡng tăng sức đề kháng. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc trẻ em có biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi khi bị nghi mắc sởi thì cần được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

Khi phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi, thai càng nhỏ thì nguy cơ gây dị tật cho thai nhi càng cao; còn thai lớn sẽ có nguy cơ sinh non. Nếu thai phụ có dấu hiệu đau bụng, ra dịch âm đạo, bất thường về thai thì phải đi khám sản ngay.

 

Ngoài ra, người mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng. Phụ nữ đến tuổi cần tiêm phòng sởi mà không chờ đến lúc mang thai.

 

Minh Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết