• :
  • :
SỞ Y TẾ TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác dụng, hiệu quả của các vắc xin đối với trẻ em

Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử  vong do bệnh. Các vắc xin được cung cấp miễn phí cho trẻ nhỏ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong các năm qua tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95% trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, ước tính trung bình hàng năm trên cả nước có 100.000 -200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong chương trình TCMR. Việc tích luỹ số trẻ này qua các năm, đặc biệt với tình trạng di biến động dân cư trong các năm gần đây có xu hướng gia tăng là yếu tố nguy cơ gây dịch.

Trẻ được tiêm chủng tại Trạm y tế xã Lưỡng Vượng (tp Tuyên Quang). 

Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược hướng tới mục tiêu thanh toán, loại trừ và khống chế các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học đã được triển khai tại hơn 130 quốc gia trên thế giới và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh.

Trường học là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em, có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trước khi xảy ra, bảo vệ sức khoẻ trẻ em cần triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho trẻ em tại nước ta. Để triển khai thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi nhập học.

Nguyên nhân trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ là:

1) các bà mẹ không nắm được trẻ em sau khi sinh cần được tiêm chủng những vắc xin phòng bệnh gì và lịch tiêm chủng như thế nào, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

2) Tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo đầy đủ vắc xin tiêm cho trẻ và an toàn. Hiện nay các loại vắc xin tiêm chủng tại các điểm tiêm dịch vụ như vắc xin MMR phòng bệnh sởi - quai bị - rubella, vắc xin 6 trong 1- Infanrix Haxe -phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B và các loại vắc xin khác không được cung cấp ổn định cho các cơ sở tiêm dịch vụ do một số nhà sản xuất thay đổi địa điểm, dây chuyền sản xuất nhằm cải tiến chất lượng hiện hành và điều chỉnh kế hoạch sản xuất nên không thể đáp ứng ngay được nhu cầu vắc xin trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam do đó dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc xin.

3) hoặc không đưa con đi tiêm chủng vì nhiều lý do khác như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm mà không đưa đi tiêm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm), khi cha mẹ không cho trẻ tiêm bù lại ngay khi có thể dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng, đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

4) Một số đối tượng cần được tiêm chủng chưa được thống kê, điều tra đầy đủ dẫn đến số trẻ bị bỏ sót không được đưa vào danh sách theo dõi tiêm chủng.

Để phòng bệnh cho trẻ ngành y tế khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh nhà ở  và đảm bảo thông thoáng; đồng thời thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bà mẹ cần lưu ý:

1. Trẻ em cần phải được tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đối với trẻ hoãn tiêm cần được tiêm bù ngay trong tháng không chờ đợi sang tháng sau dẫn đến trẻ không có miễn dịch phòng bệnh và mắc bệnh sớm.

2. Trẻ em phải sử dụng vắc xin bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; cha, mẹ của trẻ và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế trong việc sử dụng vắc xin phòng bệnh bắt buộc (đây là quy định trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

3. Vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn.

4. Đặc biệt để phòng bệnh cha mẹ cần chủ động đưa con em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccin đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccin phòng bệnh theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng (Bố mẹ cũng cần lưu ý đưa trẻ từ 1 - 14 tuổi đi tiêm chủng vaccin phòng bệnh sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch trong Chiến dịch tiêm vaccin sởi - Rubella trên toàn quốc).

- Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị. Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bắt đầu từ tháng 9/2023 ngành y tế tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức kiểm tra tiền sử tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Tiêm chủng bù liều các vắc xin trong TCMR cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin: Thực hiện sau khi rà soát tiền sử tiêm chủng, tổ chức theo đợt riêng hoặc lồng ghép với đợt tiêm chủng thường xuyên. Triển khai tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm (tại cơ sở giáo dục, thôn bản) hoặc tại Trạm Y tế căn cứ tình hình thực tế.

Nguyễn Tiến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết