• :
  • :
SỞ Y TẾ TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới virus corona gây ra

Sáng 01/02/2020, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới virus Corona gây ra đến 63 điểm cầu trên toàn quốc. Đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona chỉ đạo Hội nghị.

Các đại biểu tại hội nghị trực tuyến.

 

Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến thời điểm 0h ngày 31/01/2020, Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV), trong đó có 4 người là công dân Việt Nam, 2 người Trung Quốc. Tất cả đều có tiền sử đi từ vùng dịch và có tiếp xúc với người bệnh.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an cũng đã báo cáo tình hình liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố phải tập trung cao nhất công tác phòng chống dịch với tiêu chí “chống dịch như chống giặc”. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện việc cách ly nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các bệnh nhân dương tính với nCoV; tiếp tục khoanh vùng, cách ly, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi nhiễm đang theo dõi. Công khai minh bạch về số liệu các bệnh nhân bị nhiễm nCoV, các trường hợp nghi nhiễm phải cách ly. Các cơ sở y tế, bệnh viện có các biện pháp nghiêm ngặt tránh tình trạng lây chéo. Mỗi tỉnh, thành phải thiết lập và công bố số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ nhân dân. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày, có báo cáo cụ thể. Mỗi tỉnh thành lập từ 1 đến 3 đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch, khoanh vùng, phân tuyến ngay tại địa phương, trong trường hợp khẩn cấp.

Tăng cường công tác truyền thông trên hệ thống phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí để người dân nắm nội dung cơ bản dịch bệnh để không gây hoang mang dư luận. Khuyến cáo, tuyên truyền người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, giảm quy mô lễ hội đã tổ chức. Tuyên truyền để người dân hạn chế tham gia các lễ hội, đi du xuân. Xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin thất thiệt, bịa đặt về dịch bệnh.

Các địa phương quản lý tất cả các trường hợp nghi ngờ trở về từ vùng dịch, quá trình đi lại, tiếp xúc với nhiều người, nắm thông tin về nhân thân, số điện thoại để theo dõi. Hạn chế cấp giấy thông hành qua biên giới theo hình thức du lịch, các tỉnh, thành phố ngừng các hoạt động du lịch qua biên giới với quốc gia vùng dịch, các nước có số lượng người bị nhiễm dịch cao; kiểm soát việc đi lại qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Ngành Giao thông vận tải phối hợp với ngành Y tế, cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại biên giời, cửa khẩu, sân bay. Các tỉnh, thành phố có lao động người Trung Quốc về quê nghỉ tết cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp này, xác định rõ tình trạng sức khỏe, có sự giám sát, theo dõi thường xuyên. Các lao động làm việc tại quốc gia vùng dịch trở về Việt Nam ăn Tết cũng cần được lập danh sách, theo dõi chặt chẽ. Các địa phương phối hợp với ngành chức năng chủ động phun thuốc khử khuẩn ở các trường học, nơi công cộng đông người. Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tế xem xét cho học sinh nghỉ học trong thời gian nhất định và phù hợp, đồng thời bảo đảm công tác phòng dịch ngay tại các trường học.

Liên quan đến tình hình sản xuất khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông không nhận bưu kiện, chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng… ra nước ngoài. Bộ Công Thương nhanh chóng chỉ đạo, tổ chức kiểm tra xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi tăng giá bán khẩu trang. Các cơ quan, lực lượng chức năng lập tức thu hồi giấy phép kinh doanh các hiệu thuốc, siêu thị... nếu phát hiện việc nâng giá bán khẩu trang y tế.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là phải “Đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết dù phải hi sinh lợi ích kinh tế”; chủ động, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, đi trước một bước, tính đến tình huống xấu hơn, xấu nhất để nhằm mục đích không để tình huống xấu hơn, không phải đối phó với tình huống xấu nhất. Phòng chống dịch với tinh thần bình tĩnh, vì đã nắm chắc thì tuyệt đối không hoang mang.

Minh Tiến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết