• :
  • :
SỞ Y TẾ TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người mang "thông điệp của ánh sáng"

Đó là những Y, bác sỹ thuộc kíp mổ của phòng khám Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, bằng tấm lòng và trách nhiệm của người thầy thuốc họ đã mang lại ánh sáng cho hàng trăm bệnh nhân bị bệnh đục thủy tinh thể trên địa bàn tỉnh. Các bệnh nhân thường nói vui rằng, họ là những người mang “thông điệp của ánh sáng”.
Đục thủy tinh thể là bệnh làm giảm hoặc mắt không còn khả năng nhìn do thủy tinh thể bị đục một phần hoặc toàn bộ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đục thủy tinh thể là bệnh gây mù có thể chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo và hiện nay được áp dụng nhiều nhất là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp pha cô. Bệnh đục thủy tinh thể có nhiều loại nhưng đục thủy tinh thể và hậu quả của nó gây mù lòa được cộng đồng y tế quan tâm nhất là đục thủy tinh thể tuổi già do quá trình lão hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ đục thể tinh thể ở người trên 65 tuổi chiếm gần 70% và có đến 35% người mù do bị đục thủy tinh thể không biết bản thân bị bệnh để đi chữa trị.

Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, phẫu thuật viên chính tại kíp mổ cho biết: nằm trong kế hoạch của Sở Y tế về phẫu thuật đục thủy tinh thể tại các huyện trên địa bàn tỉnh, trong thời gian từ ngày 29/9 đến ngày 2/10, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội phối hợp với các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, khu vực đã tổ chức khám và tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể tại các huyện Yên Sơn, Na Hang và Lâm Bình. Năm 2014, phối hợp với hội người cao tuổi của tỉnh, Phòng khám của trung tâm đã tiến hành phẫu thuật cho 500 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể và tính cho hết quý III/năm 2015, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật được cho 365 ca trên địa bàn tỉnh.

 

Các bác sỹ của kíp mổ Trung tâm PCBXH tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân
bị đục thủy tinh thể tại huyện Na Hang.

 
Trước đó, kíp mổ của Phòng khám trung tâm phòng chống bệnh xã hội đã tiếm hành khám sàng lọc tại các huyện nhằm phát hiện và chuẩn đoán tình trạng mắc đục thủy tinh thể của từng bệnh nhân và hẹn ngày phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật bệnh nhân được khám lại, đo chức năng mắt, tính công xuất thể thủy tinh và làm các xét nghiệm để đảm bảo an toàn trong phẫu thuật. Các bệnh nhân đều có thẻ BHYT nên chi phí cho ca phẫu thuật chỉ mất từ 60.000 nghìn đến 1.100.000 nghìn đồng. Bà Nguyễn Thị Lập, 65 tuổi thôn Đung, xã Công Đa, huyện Yên Sơn cho biết: do tuổi già nên một bên mắt của bà có dấu hiệu bị mờ và dần không nhìn rõ, sau khi khám sàng lọc đợt 1 bà được chỉ định hẹn ngày phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa khu vực ATK. Các năm trước, khi mổ mắt phải lên tận bệnh viện tuyến trên thì năm nay các bác sỹ về tận cơ sở để phục vụ cho bà con đã tạo điều kiện rất tốt cho chúng tôi trong việc đi lại và tiết kiệm chi phí.

Cách thị trấn Na Hang 50km bà Trần Thị Vạn, thôn Xá Thị, xã Đà Vị, huyện Na Hang từ tờ mờ sáng bà cùng con gái đã đi xe máy từ nhà ra Bệnh viện đa khoa Na Hang theo lịch hẹn của trung tâm. Sau thời gian mổ mắt bà được đưa ra phòng nghỉ ngơi và có thể ra về trong ngày, bà rất phấn khởi vì không phải nằm viện mà thời gian phẫu thuật rất nhanh rất thuận tiện cho việc đi lại.

So với các phương pháp mổ mắt truyền thống, phương pháp mổ mắt pha cô có những điều đặc biệt. Trong một số trường hợp gây tê, có thể nhỏ tê tại chỗ hoặc gây tê cạnh cầu. Khi phẫu thuật, rạch 1 đường nhỏ ở rìa giác mạc với kích thước từ 2,8 đến 3,2mm. Phẫu thuật viên đưa đầu siêu âm vào tán nhuyễn thủy tinh thể đục và hút ra ngoài. Sau đó đặt vào 1 kính nội nhãn hay còn gọi là thể thủy tinh nhân tạo với công suất được tính toán trước thay thế thủy tinh thể đã được hút ra. Ở phương pháp mổ mắt phaco, sau khi phẫu thuật đường vào trên giác mạc được đóng kín bằng kỹ thuật bơm phù mà không cần khâu. Với kỹ thuật này, phẫu thuật được thực hiện rất nhanh, khoảng từ 7 – 10 phút. Bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật. Thị lực hồi phục rất nhanh, ngay ngày đầu sau mổ.

Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, phẫu thuật viên chính tại kíp mổ cho biết thêm: ngoài những ưu điểm như thời gian phẫu thuật ngắn, vết mổ không phải khâu, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày thì sau khi mổ, không cần băng mắt sau phẫu thuật mà chỉ cần đeo kính bảo vệ mắt. Sau khi phẫu thuật chỉ cần chú ý không nên cho nước chảy vào mắt trong lúc tắm, gội và rửa mặt trong hai tuần đầu. Không dụi tay vào mắt trong tháng đầu sau phẫu thuật. Có thể đi lại và sinh hoạt nhẹ nhàng, xem báo, đọc sách, tránh cử động mạnh, không đi bơi trong tháng đầu sau phẫu thuật, rửa tay sạch trước và sau nhỏ thuốc, uống thuốc và nhỏ thuốc theo lời dặn của bác sĩ …khi có các biểu hiện như đau mắt, nhìn mờ nên đến bệnh viện tái khám ngay.  Ngoài ra cũng cần lưu ý về chế độ ăn uống, sau khi phẫu thuật xong nên ăn nhiều rau và trái cây để bổ xung Vitamin cho cơ thể khỏe mạnh, không nên uống rượu bia trong tháng đầu sau khi phẫu thuật. Những người cao tuổi nên tăng cường kiểm tra mắt định kỳ để hạn chế các biến chứng, bảo vệ chức năng thị giác và giảm thiểu tỷ lệ mù lòa.

Bằng trách nhiệm và lòng nhiệt huyết các Y, bác sỹ kíp mổ của Phòng khám Trung tâm phòng chống bệnh xã hội đã mang lại ánh sáng cho hàng trăm bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Là một trong những chủ trương mới của ngành Y tế Tuyên Quang trong những năm gần đây nhằm giảm khó khăn trong việc đi lại, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Phấn đấu để người cao tuổi đặc biệt là người cao tuổi nghèo, cô đơn, tàn tật, người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được khám tư vấn và phẫu thuật các bệnh về mắt. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung./.
Thùy Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết