• :
  • :
SỞ Y TẾ TỈNH TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến Triển khai Công tác Phòng, chống dịch bệnh, Công tác tiêm chủng và An toàn tiêm chủng năm 2019

Sáng ngày 11/6/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai Công tác Phòng, chống dịch bệnh, Công tác tiêm chủng và An toàn tiêm chủng năm 2019. PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương; Tại điểm cầu địa phương kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã các đơn vị liên quan.

 

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Viettel Tuyên Quang.

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Viettel Tuyên Quang có đồng chí La Đăng Tái Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, lãnh đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trưởng trạm y tế xã, phường của Trung tâm y tế thành phố Tuyên Quang.

Đồng chí La Đăng Tái Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Các đại biểu theo dõi Hội nghị trực tuyến.

 

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự ủng hộ của các Ban, Ngành, đoàn thể, Ngành Y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng. Hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9). Các bệnh dịch lưu hành trong nước được khống chế và kiểm soát như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, bệnh tay chân miệng giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017, tuy nhiên số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Sau hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay.

Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trước kia là bệnh dịch lưu hành hàng năm thường gây ra những dịch bệnh lớn thường xuyên thì hiện nay đã được khống chế nhờ duy trì tốt tỷ lệ tiêm chủng.

Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh dại và khống chế bệnh rubella. Đi đôi với việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, chất lượng tiêm chủng ngày càng tốt hơn, tiêm chủng an toàn, tổ chức khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi phát hiện sớm và xử trí Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân… ngoài ra, cũng còn các nguyên nhân chủ quan như: khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho y tế; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, Ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của Ngành Y tế.

Năm 2019, Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, việc chỉ đạo và quản lý công tác tiêm chủng có nhiều đổi mới.

Chính phủ đã ban hành các Nghị định về hoạt động tiêm chủng, Bộ Y tế ban hành các Thông tư hướng dẫn là những căn cứ pháp lý quan trọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêm chủng. Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia đã được triển khai và góp phần quản lý đối tượng tiêm chủng, các hoạt động phòng chống dịch đã và đang được triển khai một cách đồng bộ, dưới những hình thức đa dạng, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch mùa hè, như: đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa hè, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh; Về phòng bệnh: theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời, giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động, các chiến dịch tiêm vắc xin tại những nơi có nguy cơ cao. Về điều trị: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giảm tử vong coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu: phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, lây nhiễm chéo, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị, tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị tại bệnh viện, tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác chăm sóc và điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh các tuyến; chuẩn hoá các phương pháp kỹ thuật cũng như hệ thống giám sát báo cáo và phòng chống dịch bệnh từ Trung ương đến cơ sở… Những hoạt động trên đã góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa dịch, bệnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận như: Hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; Cập nhật phác đồ điều trị sốt xuất huyết ở người lớn; Cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, Cập nhật phác đồ điều trị bệnh chân tay miệng; Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng; Hướng dẫn về xử trí, cấp cứu tai biến nặng sau tiêm chủng…

Phòng GDSK- KTNN

(Tổng hợp)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết